Máu trên đường đua

Bản chất của giải F1 hoàn toàn khác với các bộ môn đua xe khác. Nếu như trong đua xe đường trường, đua xe stock, v.v…ôtô đua thực chất là các mẫu đang lưu hành trên thị trường được nhà sản xuất cải biến cho phù hợp với đường đua thì những chiếc xe F1 được chế tạo chỉ dành riêng cho việc đua F1. Mục tiêu của nhà sản xuất như Ferrari, Maserati, Alfa Romero hay BMW là lấy những chiếc xe F1 làm “bàn đạp” thử nghiệm nhiều công nghệ mới của họ. Công nghệ nào chứng tỏ được giá trị của mình trên trường đua F1 thì sẽ được đưa vào áp dụng vào trong những mẫu xe sản xuất hàng loạt.

4.jpg -0
Nguyên chủ tịch Bernie Ecclestone của tập đoàn Formula One

Ví dụ điển hình nhất cho mối quan hệ giữa F1 và các tập đoàn xe hơi thật đáng tiếc lại liên quan đến hàng chục cái chết. Ngay từ những mùa giải đầu tiên, đua xe F1 đã bị mang tiếng là môn thể thao nguy hiểm bậc nhất. Không ít tay đua huyền thoại phải chịu cái chết đau đớn trên vô lăng như Harry Schell (Mỹ), Wolfgang von Trips (Đức), Ronnie Peterson (Thụy Điển), v.v…

Một số tay đua may mắn hơn cũng chịu thương tật suốt đời như huyền thoại Niki Lauda, người đã suýt bỏ mạng khi chiếc Ferrari 312T của ông bốc cháy giữa đường đua. Phổi của Lauda thường xuyên có vấn đề cho đến khi ông qua đời do hít phải khói độc từ chiếc xe bốc cháy. Các nhà sản xuất không muốn thêm vào xe những tính năng an toàn vì sợ tăng trọng lượng xe nên dù có bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra họ cũng “làm ngơ” hết. Phải đến khi tay đua huyền thoại Ayrton Senna tử vong vào năm 1994 thì mọi chuyện mới thay đổi.

Ayrton Senna đang ở đỉnh cao sự nghiệp của mình khi mùa giải đua xe F1 năm 1994 bắt đầu. Anh chỉ vừa mới đánh bại “kỳ phùng địch thủ” của mình là tay đua Alain Prost ở mùa giải trước, nhưng lại để Prost dành chức vô địch cả mùa giải. Senna sau đó chuyển sang đội đua Williams để thay thế chính Prost. Điều mà tay đua khao khát nhất là chức vô địch F1 đầu tiên sau ba năm anh không dành danh hiệu.

Vào ngày 1-5-1994, Ayrton Senna đang thi đấu trên trường đua Autodromo Enzo e Dino Ferrari ở San Marino, Ý thì bất ngờ mất lái  đâm vào bức tường bao quanh đường đua. Vụ tai nạn giết chết Senna vài giờ sau đó. Sở dĩ nó xảy ra là vì đội Williams đã thay đổi một vài bộ phận trên xe nhằm tăng tính khí động học của phương tiện.

1.jpg -0
Các kỹ sư sẵn sàng làm mọi việc để không bị bắt tại trận

Chỉ mới mấy ngày trước, chiếc xe lái bởi Rubens Barrichello, đồng đội của Senna ở đội đua Williams đã bất ngờ văng khỏi đường đua. Chiếc xe đã thiếu ổn định như vậy, mà bản thân đường đua cũng nguy hiểm không kém. Một tài xế khác của đội đua Simtek-Ford là Roland Ratzenberger tử vong tại ở Autodromo Enzo e Dino Ferrari do đâm vào tường rào như Senna. Hai người chết cách nhau đúng một ngày.

Ba tai nạn và hai cái chết nối tiếp nhau chỉ trong vài ngày đã khiến cả thế giới bàng hoàng. F1 nhanh chóng đưa ra những quy định mới buộc các đội đua phải có thiết bị an toàn trong xe của họ. Các nhà sản xuất ô tô sau đó mới đưa những thiết bị nói trên vào những mẫu xe sản xuất hàng loạt của họ. Việc một chiếc ôtô hiện đại được trang bị đầy đủ túi khí, dây an toàn tháo nhanh, kính chống phân mảnh, v.v…phần nhiều là nhờ vào những cái chết trên đường đua F1 như thế.

Chiến thắng bằng mọi giá

Không lắp thiết bị an toàn chỉ là một trong nhiều cách các đội đua tạo lợi thế cho bản thân. Giải F1 có những quy định ngặt nghèo để kiểm soát các chiếc xe. Nhưng chính tay đua huyền thoại Gerhard Berger từng nói: “Đội đua nào ở F1 cũng ăn gian, vấn đề là ai làm khéo thì không bị bắt mà thôi”.

3.jpg -0
Giải đua F1 ít trong sạch hơn nhiều người tưởng

Trước và sau mỗi chặng đua, ban tổ chức giải lại cho cân xe, thế là các đội đua bèn thi nhau thay đổi trọng lượng xe. Có đội như Renault làm những tấm chắn gió bằng chì rất nặng. Lúc cân xe thì họ lắp tấm chắn gió chì để đạt mức tổng trọng lượng, còn đến lúc đua thì lại lắp tấm chắn gió bằng… nhựa nhẹ hơn. Đội đua Tyrrell thi tinh vi hơn bằng cách đổ nước pha hạt chì vào két nước tản nhiệt. Nhờ vậy mà xe của Tyrrell có trọng lượng thấp hơn đối thủ nhưng không ai biết, phải chờ đến khi ban tổ chức mở két nước ra mới phát hiện được.

Vấn nạn giảm trọng lượng xe chỉ mới được giải quyết triệt để sau mùa giải năm 2005. Đội đua BAR đã bí mật thiết kế mẫu xe của họ có hai bình xăng, trong đó một bình nằm ẩn bên trong thành xe. Ban tổ chức giải F1 có quy định mỗi chiếc xe tối thiểu phải có bao nhiêu lít xăng. Những xe nào chứa ít xăng sẽ không thể hoàn thành vòng đua thử và bị cấm thi đấu. Làm thế bởi vì trong cuộc đua chính thức, các đội không được phép đổ thêm xăng vào bình.

BAR chỉ đổ đầy cả hai bình xăng khi xe chạy vòng đua thử. Khi đã vào vòng chính thức rồi họ chỉ đổ một bình để xe nhẹ hơn. Mỗi khi ô tô gần hết xăng thì tài xế sẽ đánh xe vào đường pit. Các kỹ sư của đội giả vờ lau chùi phần bô xe nhưng thực chất là bơm thêm nhiên liệu vào thùng xăng bí mật. Sau khi vụ gian lận bị phát hiện, BAR và ban tổ chức giải đã đưa nhau ra tòa. Vụ tranh cãi pháp lý giữa hai bên kéo dài nhiều tháng cho đến khi Honda mua lại BAR, còn ban tổ chức F1 sửa đổi toàn bộ hệ thống quy tắc kiểm soát cân nặng xe của họ.

Đấy chỉ là những phương pháp gian lận về mặt kỹ thuật. Các đội đua không thiếu gì chiêu trò ngoài đường đua để tạo lợi thế cho mình. Có thể kể đến vụ thợ máy trưởng của đội Ferrari Nigel Stepney bán thông tin mật cho đối thủ McLaren, hay sau đó là âm mưu của một số đội tốp dưới nhằm ngăn cản tay đua nổi tiếng Fernando Alonso giành chiến thắng tại chặng đua Singapore Grand Prix.

Xe của Alonso do chịu va chạm mà gặp phải vấn đề về đường tiếp nhiên liệu, khiến cho anh đang dẫn đầu đoàn đua tụt xuống vị trí thứ 15. Đội Renault của Alonso cũng không chịu kém cạnh. Họ ra lệnh cho tay đua thứ hai của mình là Nelson Piquet Jr. đâm vào tường rào. Ban tổ chức giải buộc phải cho xe an toàn ra dẫn đầu đoàn đua để buộc họ đi chậm lại chờ đến khi xe của Nelson Piquet được cẩu đi. Nhờ vậy mà Fernando Alonso có thể đuổi kịp nhóm dẫn đầu và cuối cùng thì dành chiến thắng trong chặng Singapore Grand Prix.

Những bê bối khác

Đua xe F1 từ chỗ bị coi là môn thể thao của riêng người châu Âu nay đã đi đến khắp năm châu bốn bể. Ngay cả trong giai đoạn 2020-2022, lúc đại dịch COVID-19 hoành hành, tỷ suất người xem F1 trên toàn thế giới vẫn tăng 4% trong khi các bộ môn thể thao khác mất khán giả.

Nhưng chính sự mở rộng của F1 lại đang khiến nhiều khán giả và các nhà quan sát tỏ ra không vừa lòng. Họ cho rằng chủ tịch Ecclestone vì quá mải mê với những con số đã khiến F1 dính dáng đến những nhân vật mà một bộ môn thể thao chuyên nghiệp nên tránh xa. Trường hợp được nhiều người dẫn ra để minh họa là chặng đua Baku Grand Prix.

5.jpg -0
Vụ tấn công vào kho dầu của Arập Xêút xảy ra rất gần trường đua F1 của họ

Baku Grand Prix được tổ chức lần đầu vào năm 2003 tại thủ đô Baku của Azerbajan. Chỉ mới trước đó vài tháng, một phong trào biểu tình lớn đã nổ ra tại Baku và khắp các thành phố lớn khác của Azerbajan. Ông Ilham Aliyev thắng cử chức tổng thống sau một cuộc bầu cử tai tiếng vì có không ít gian lận. Dân chúng thì quá chán ngán với tình trạng kinh tế trì trệ và tham nhũng liên miên dưới thời bố của ông Ilham Aliyev, cố Tổng thống Heydar Aliyev. Chính vì vậy mà tân tổng thống ngồi còn chưa nóng chỗ thì người dân đã xuống đường biểu tình yêu cầu ông từ chức. Cảnh sát Azerbajan sau đó đã sử dụng bạo lực để giải tán đoàn biểu tình và gây ra nhiều cái  chết thương tâm. Một số người biểu tình khác bị giam cầm nhiều năm liền mà không được tòa án xét xử công bằng.

Trong bối cảnh đó, việc vẫn tổ chức chặng Baku Grand Prix quả thật làm xấu đi hình ảnh của F1. Theo một đơn kiện do hai đội đua Sauber và Force India đệ lên tòa án Châu Âu, Bernie Ecclestone cùng với cổ đông lớn nhất của giải F1 là quỹ đầu tư CVC Capital Partners đã nhận không dưới 100 triệu USD từ chính phủ Azerbajan. Một phần số tiền này sau đó được Ecclecstone dùng để dàn xếp vụ kiện trốn thuế của ông ta tại Đức.

Chặng đua Jeddah Grand Prix diễn ra tại Arập Xêút tai tiếng không kém gì so với Baku Grand Prix cả. Từ nhiều năm gần đây Arập Xêút liên tục bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì sự can thiệp của nước này vào cuộc nội chiến Yemen, từ đó gây ra thảm họa nhân đạo giết chết hơn 1 triệu người Yemen. Chưa hết, quốc gia này tiếp tục giữ thái độ cấm đoán, nếu không muốn nói có phần đàn áp, cộng đồng người chuyển giới và đồng tính của họ. Trong bối cảnh F1 đang hướng đến những giá trị nhân đạo - công bằng, tổ chức chặng đua tại Arập Xêút thật chẳng khác nào đi ngược lại chính lời họ nói.

Những người phản đối Jeddah Grand Prix lại càng có thêm lý lẽ sau khi quân Houthi (Yemen) mở cuộc đột kích vào kho dầu tại thành phố Jeddah. Kho dầu lại đặt ngay gần trường đua F1 nơi chỉ vài ngày nữa chặng đua sẽ bắt đầu. Nhiều nhà quan sát đã kêu gọi ban tổ chức giải tạm hoãn hoặc ngừng hẳn chặng đua nhằm bảo đảm an toàn cho những người tham dự. Nhưng FIA vẫn cho Jeddah Grand Prix bắt đầu vào ngày 27-3 vừa qua. Thật may mắn là chặng đua kết thúc mà không gặp sự cố gì. Nhiều người không khỏi tự hỏi rằng: có phải F1 đang đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên sự an toàn của các vận động viên và khán giả hay không?

Có thể bạn cũng thích

0 bình luận

Viết bình luận

Chia sẻ của bạn để lại dưới bình luận(*).

NHẬN TIN TỨC MỚI

Quảng cáo

BÌNH CHỌN

Bình chọn

Ý kiến người đọc