- Thuy Linh
- 2022-05-19
- 425
- 0
Liên hoan phim Cannes 2022: Điểm nhấn giữa thời loạn
Liên hoan phim Cannes lần thứ 75 quay trở lại “đường đua” các giải thưởng nghệ thuật hàn lâm. (Nguồn: DW News) |
Trước đó, Giám đốc nghệ thuật Liên hoan phim Cannes, Thierry Fremaux thông báo rằng ông từ chối tiếp đón bất kỳ phái đoàn chính thức nào đến từ Nga tại sự kiện năm nay. Tuy nhiên, cũng chính ông là người đã bảo lưu quyền đưa các nhà làm phim Nga vào chương trình trao giải sau đó.
Giải thích cho quyết định trên, Fremaux cho biết ông không hề nhận bất kỳ khoản tài trợ nào từ nước Nga.
Nhà làm phim người Nga Kirill Serebrennikov là một trong số những người được mời tham dự lễ trao giải năm nay với bộ phim Tchaikovsky's Wife (Vợ của Tchaikovsky). Đây là lần thứ ba ông góp mặt tại Cannes.
Serebrennikov hiện đang sống ở Đức, sau khi chịu quản thúc tại gia 2 năm vì dính líu đến một vụ chiếm đoạt tiền ngân sách.
Bộ phim lần này của ông kể lại một giai thoại trong cuộc đời của nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới người Nga Peter Tchaikovsky. Chỉ vì sợ bị coi là đồng tính luyến ái, ông đã kết hôn với một người phụ nữ trẻ đem lòng yêu ông, dẫn đến một cuộc hôn nhân đầy biến động, khiến cho chính vợ mình trở nên điên loạn.
Một phân cảnh trong phim “Tchaikovsky's Wife” của đạo diễn Kirill Serebrennikov. (Nguồn: DW News) |
Những màn trở lại hoành tráng
Tchaikovsky's Wife và 19 bộ phim khác, trong đó có 4 đề cử đến từ các nhà làm phim nữ, sẽ cùng tranh giải Cành cọ vàng năm nay. Điểm qua danh sách đề cử, có rất nhiều “bô lão” từng giành giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim trước đây, điển hình là “cựu binh” trên phim trường Mỹ David Cronenberg.
Cronenberg sẽ có màn trở lại đáng mong đợi với bộ phim Crimes of the Future (Tội ác của tương lai), cùng sự tham gia thủ vai chính của các diễn viên Lea Seydoux, Viggo Mortensen và Kristen Stewart. Bộ phim thuộc thể loại kinh dị - khoa học viễn tưởng, lấy bối cảnh ở thế giới tương lai, nơi cấu tạo sinh học của con người có thể bị thay đổi bởi những công nghệ tiên tiến.
Ngoài ra, những đạo diễn kỳ cựu khác từng thắng giải trước đó còn có bộ đôi anh em người Bỉ Jean-Pierre và Luc Dardenne, đạo diễn người Thụy Điển Ruben Östlund, và nhà làm phim người Romania Cristian Mungiu.
Đại diện từ châu Á gồm có đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda, người từng bất ngờ giành giải Cành cọ vàng 2018 cho Shoplifters (Gia đình trộm cắp), cùng với đạo diễn Hàn Quốc Park Chan-wook, người cũng đã hai lần được vinh danh tại Cannes với Giải thưởng lớn. Bộ phim “sáng giá” cho các đề cử lần này của ông mang tên Decision to Leave (Quyết định rời đi), thuộc thể loại kinh dị - trinh thám.
Phim "Decision to Leave" của đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda là đại diện của châu Á tại Liên hoan phim Cannes. (Nguồn: Korea Bizwire) |
Bên cạnh đó, cũng có một số đề cử đến từ những “chiến binh” chưa từng có cơ duyên bước lên bục vinh quang, điển hình như đạo diễn gốc Mỹ James Grey, người từng 5 lần được mời tham dự Cannes nhưng vẫn “trắng tay". Năm nay, ông trở lại với tác phẩm Armageddon Time (Thời tranh đấu) lấy bối cảnh thời Ronald Reagan tranh cử, với dàn sao “khủng” như Anne Hathaway và Anthony Hopkins.
Sự hội tụ nhiều thể loại
Nhắc đến thể loại rùng rợn, không thiếu những bộ phim đáng xem trong năm nay, trong đó phải kể đến Coupez!, một bộ phim hài zombie (thây ma) của Michel Hazanavicius, đạo diễn phim câm lãng mạn “nức tiếng” The Artist (Nghệ sĩ). Tên phim trong tiếng Pháp có nghĩa là "Cắt!", tức tiếng hô của các đạo diễn ở cuối mỗi cảnh quay, nhằm truyền tải nội dung chính nói về kỹ xảo điện ảnh của phim.
Ngoài ra, bộ phim kinh dị Holy Spider (Nhện thánh) của đạo diễn người Iran Ali Abbasi cũng là một ứng cử viên đáng gờm tại Liên hoan phim Cannes 2022. Phim kể về một người đàn ông được mệnh danh là "Sát thủ nhện" vì đã tàn phá thành phố Mashhad linh thiêng của Iran bằng cách sát hại các cô gái mại dâm.
Danh sách các bộ phim được chiếu mở màn năm nay (hạng mục Cannes Premier) cũng sẽ góp phần làm tăng thêm độ hoành tráng của sự kiện, bao gồm phần hậu truyện (sequel) của bộ phim hành động đình đám năm 1986 Top Gun (Phi công siêu đẳng), với sự tham gia của tài tử Tom Cruise.
Phân cảnh trong phần nối tiếp của bộ phim đình đám từ thập niên 80 “Top Gun”, với sự tham gia của “trai đẹp” Tom Cruise. (Nguồn: DW News) |
Ngoài ra, danh sách còn có sự góp mặt từ bộ phim tiểu sử rất được mong đợi của đạo diễn người Australia Baz Luhrmann về “ông hoàng nhạc rock” Elvis Presley, tựa đề Elvis. Ca sĩ ngôi sao kiêm diễn viên Austin Butler sẽ nhập vai Elvis thời trẻ, với sự “trợ giúp” từ tài tử Tom Hanks trong vai quản lý của “vua rock & roll”.
Thông điệp truyền tải ý nghĩa
Đáng tiếc thay, không có đại diện nào đến từ châu Phi tham gia tranh giải tại Liên hoan phim Cannes năm nay. Tuy nhiên, nhiều đạo diễn đã không quên chú trọng khắc họa các chủ đề về chủ nghĩa thực dân, sự di cư và phân biệt chủng tộc, điển hình là anh em nhà Dardenne với tác phẩm Tori and Lokita (Tori và Lokita).
Đây là một bộ phim truyền hình kể về hai người di cư trẻ tuổi đến từ châu Phi, do Joely Mbundu và Pablo Schils thủ vai chính.
Phim “The Stars At Noon” (Những ngôi sao ban trưa) với sự tham gia của diễn viên Margaret Qualley (phải). (Nguồn: DW News) |
Trong Mother and Son (Mẹ và con trai), đạo diễn người Pháp Leonor Serraille đã kể lại câu chuyện về hành trình di cư từ Bờ Biển Ngà đến Paris của Rose cùng hai con trai là Ernest và Jean năm 1986. Bộ phim theo chân gia đình nhỏ từ đó cho đến năm 2010, tập trung khai thác quá trình phát triển tâm lý, tình cảm của ba mẹ con.
Cũng tập trung vào các chủ đề đó, tác phẩm Pacification, tên tiếng Pháp là Tourment sur les iles (Hòa ước) của nhà làm phim độc lập người Catalan Albert Serra khắc họa những xung đột cơ bản giữa chính phủ Pháp và người dân địa phương, lấy bối cảnh ở Polynesia, Pháp.
Hướng đến cung cấp cái nhìn sâu sắc về nạn phân biệt chủng tộc, bộ phim tranh giải của Christian Mungiu, RMN đưa người xem đến một cộng đồng làng ở Transylvania. Sau sự du nhập của làn sóng công nhân nhà máy nước ngoài, những định kiến phân biệt chủng tộc đã chiếm ưu thế, dấy lên những câu chuyện và khung cảnh hỗn độn, pha trộn giữa nỗi sợ hãi, thất vọng, xung đột và đam mê bùng phát.
Làn sóng “tẩy chay” phim Nga
Đầu tháng Ba, Liên hoan phim tuyên bố sẽ cấm các phái đoàn Nga tham gia cho đến khi xung đột Nga-Ukraine chấm dứt. Do vậy, không có đại diện chính thức, nhà làm phim, nhà phê bình phim hay nhà báo nào của Nga được mời tham dự sự kiện năm nay. Ngay cả việc đạo diễn người Nga được đặc cách tham gia tranh giải cũng không thể dập tắt hoàn toàn lập trường cứng rắn này.
Áp phích ủng hộ Ukraine đặt tại Cung Hội nghị Paris, Cannes. (Nguồn: DW News) |
Tuy nhiên, không phải tất cả người Ukraine đều ủng hộ chính sách “không khoan nhượng” đối với Nga trên mọi lĩnh vực. Sergei Loznitsa, người được cho là nhà làm phim nổi tiếng nhất của Ukraine, đã lên tiếng phản đối việc tẩy chay phim Nga tại Liên hoan phim Cannes hồi tháng Ba.
Ông bày tỏ trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Variety: “Tuy những gì đang diễn ra thật khủng khiếp, nhưng tôi nghĩ mọi người đừng nên “làm quá”. Chúng ta nên đánh giá mọi người bằng hành động của họ, thay vì nhìn vào quốc tịch”.
Động thái trên đã khiến Loznitsa bị trục xuất khỏi Học viện Điện ảnh quốc gia Ukraine sau đó.
Được biết, bộ phim The Natural History of Destruction (Lịch sử tự nhiên của sự hủy diệt) của ông đã giành được một vé trong hạng mục Suất chiếu đặc biệt (Special Screenings) của Liên hoan phim Cannes.
“Mặt trận phim trường” khắc nghiệt
Phần tiếp theo của bộ phim tài liệu về khu vực xung đột Mariupolis, Mariupolis 2 của đạo diễn người Litva Mantas Kvedaravicius cũng sẽ xuất hiện tại Cannes, nhằm tưởng nhớ sự ra đi của ông dưới tay quân đội Nga hồi tháng Tư. Dưới sự quả quyết của ban tổ chức sự kiện, bộ phim mới đây đã được thêm vào danh sách các Suất chiếu đặc biệt ngày 19/5 sắp tới.
Dưới sự trợ giúp từ hôn thê của nhà làm phim bạc mệnh, Hanna Bilobrova cùng biên tập viên vốn luôn gắn bó với ông là Dounia Sichov, Mariupolis 2 đã được hoàn thành trót lọt, trở thành một minh chứng đương đại đầy nhức nhối và mang tính thời sự cao về các cuộc xung đột không đáng có.
Một cảnh phim “Father & Soldier” (Người cha chiến binh) của đạo diễn Mathieu Vadepied. (Nguồn: DW News) |
Ngoài ra, tại hạng mục bên lề của liên hoan phim với tên gọi Góc nhìn độc đáo (Un Certain Regard), một bộ phim khác cũng đang thu hút sự chú ý của giới phê bình. Đó là Vision of a Butterfly (Ảo ảnh của bướm) của đạo diễn trẻ người Ukraine Maksim Nakonechnyi.
Theo lời đạo diễn, bộ phim kể về câu chuyện khắc nghiệt của nữ chiến binh phi công Lilja, người tuyệt vọng cố gắng trở lại cuộc sống bình thường sau trải nghiệm bị giam cầm bởi quân địch trong cuộc chiến Nga-Ukraine thời xưa.
Nakonechnyi chia sẻ: “Khi quyết định làm phim, tôi đã hy vọng rằng tác phẩm sẽ cung cấp cái nhìn về quá khứ, về những hậu quả của chiến tranh mà xã hội chúng ta phải đối mặt. Nhưng thật không may, bộ phim của tôi có lẽ là một điềm báo về chiến tranh”.
Có thể bạn cũng thích
-
Baoquocte.vn. Trước bối cảnh Covid-19 không còn tác động mạnh như trước, Liên hoan phim Cannes đã chính thức trở lại, nhưng với quyết định… “cấm cửa” các đoàn làm phim Nga.
Viết bình luận
Kết nối với chúng tôi
NHẬN TIN TỨC MỚI
Đăng ký bản tin của chúng tôi để nhận tin tức mới nhất, tin tức phổ biến và cập nhật độc quyền.
0 bình luận
Chưa có bình luận nào